Ngũ Uẩn: Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là gì?

Ngũ uẩn giải thích rằng con người và sự vật tồn tại không có có gì cố định, bất biến mà luôn luôn thay đổi, lưu chuyển và phụ thuộc lẫn nhau. Sự chấp thủ vào ngũ uẩn là nguyên nhân dẫn đến khổ đau.

Nội dung: [ Ẩn/Hiện ]

    Ngũ Uẩn là gì

    Theo triết lý của đạo phật con người không phải là một thực thể tách biệt mà là tổng hợp của 5 yếu tố "Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức" được gọi là NGŨ UẨN. 5 yếu tố liên kết chặt chẽ với nhau, tương tác với nhau, cùng nhau tồn tại và cùng nhau tan rã.

    Ngũ Uẩn

    Sắc uẩn (thân thể)

    Sắc là yếu tố vật chất bên trong cơ thể và bên ngoài cơ thể mà ta có thể cảm nhận, cảm giác hoặc sờ nắn được. Bao gồm cả năng lượng, thời gian và không gian. Sắc được chia ra 2 yếu tố:

    • Yếu tố vật lý: Đất (thể rắn) - Nước (thể lỏng) - Gió (thể khí) - Lửa (nhiệt độ)
    • Yếu tố sinh lý: Mắt (hình sắc) - Tai (âm thanh) - Mũi (mùi) - Lưỡi (vị) - Thân (vật xúc chạm) - Ý

    Cơ thể con người thuộc yếu tố vật chất được hình thành từ những nguyên tử, phân tử nằm trong vũ trụ. Sở dĩ con người tồn tại được là nhờ đất, nước, lửa, không khí và khi chết đi thân thể tan rã và trả lại cho vũ trụ. Vì vậy, không có cái gì được gọi là "của ta" cả.

    Con người chúng ta luôn coi cơ thể này của mình nhưng quán chiếu lại ta thấy sự thật hoàn toàn khác. Thân luôn đòi hỏi ta phải chiều theo nó: Cho nó uống khi khát, cho nó ăn khi đói, cho nó vào giường khi mệt... nhưng thân không bao giờ hài lòng cả, nó luôn có những đòi hỏi mới mà không chịu thỏa mãn. Khi bạn ngủ rồi thân có chịu nằm yên không, nằm lâu lại thân bị mỏi nó lại đòi lật bên nọ lật bên kia.

    Theo đức Phật, để thân làm chủ đời thì ta không thể thoát khổ vì thân luôn bắt tâm bạn phải phục vụ nó vì vậy muốn thoát khổ, tâm phải làm chủ thân. Đức Phật vẫn có bệnh nhưng chúng ta, cũng đau bụng nhức đầu xổ mũi nhưng nhưng người vẫn thuyết pháp, ko để bệnh tật cản trở ngài. Đã có thân người là có bệnh, chỉ cần nhớ có bệnh thì uống thuốc, uống thuốc không khỏi thì đi bác sỹ, hãy chăm sóc thân nhưng đừng để nó điều khiển, đừng suốt ngày rên rẩm, u sầu vì bệnh tật rồi nhụt chí mà viện cớ không thể làm được việc này, không làm được việc kia....

    Cách đơn giản để làm chủ thân là đừng chiều theo nó ngay khi nó đòi hỏi, nếu bụng đói ta hãy quên đi cơn đói, để nó đói thêm một chút nữa rồi cho nó ăn, lâu dần nó sẽ bớt đòi hỏi. Bạn đừng sợ thân bị đau yếu mà chiều chuộng nó quá mức, trừ trường hợp cấp bách hãy dạy nó cách lắng nghe, thấu hiểu, kiên nhẫn và biết chịu đựng khi cần.

    Thiền chính là cách để tâm làm chủ thân, các thiền sư mới đầu ngồi thiền cũng bị tê chân, mỏi lưng mỏi gối, cũng bị muỗi và côn trùng cắn nhưng nếu tê chân mà đứng dậy, muỗi cắn mà bứt rứt khó chịu thì làm sao mà tu thành đạo được.

    Sắc Thọ Tưởng Hành Thức

    Thọ uẩn

    Thọ là cảm giác vui, buồn, trung tính (lạc thọ - khổ thọ - xả thọ) được hình thành do sự tiếp xúc của các giác quan và đối tượng. 6 thọ bao gồm: Mắt (hình sắc), Tai (âm thanh), Mũi (mùi), Lưỡi (vị), Thân (cứng, mềm), Ý (tâm ý).

    Ví dụ bạn đang phải di chuyển ngoài đường giữa cái nắng chang chang của mùa hè cảm thọ của bạn là nóng bức, khi về đến nhà vào phòng bật điều hòa cảm thọ của bạn là mát mẻ. Nếu chỉ cảm thọ một cách đơn giản như vậy bạn sẽ có sự an lạc. Tuy nhiên, chúng ta lầm tưởng cảm thọ là của mình nên bám víu vào nó dẫn đến khổ đau. Ta luôn muốn được mát mẻ mọi lúc mọi nơi nên chẳng may mất điện, điều hòa tắt bạn không chỉ thấy nóng mà kèm theo cảm giác bức bối khó chịu, chửi rủa điện lực, nghành này ban nọ, rồi đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao lại cắt điện giờ này, bao giờ mới có điện lại...

    Vì tưởng cảm thọ là của ta nên suốt cuộc đời, ta chỉ ưa thích nhìn những gì ta cho là đẹp, nghe những lời nói bắt tai, ăn những món ăn ngon nhất nhưng ta sẽ khó chịu khi đến gần những người bẩn thỉu, hôi hám, tức tối khi bị người khác chê bai, cằn nhằn khi ăn phải món dở tệ.

    Đức phật dạy rằng hãy cứ để cảm thọ đến, nhận biết nó, không phản ứng gì và để nó qua đi đừng bám víu vào nó để nó điều khiển tâm trí bạn. Nếu hôm nay bạn gặp được một người có tài ăn nói dịu dàng dễ nghe ta đừng vì yêu thích những lời hay ý đẹp đó mà ngày mai khi gặp những người ăn nói cộc cằn, thô lỗ ta lại cảm thấy khó chịu.

    Tưởng uẩn

    Tưởng chính là sự tưởng tượng, là tư tưởng, quan điểm bao gồm khả năng nhận biết, phân biệt các đối tượng và hiện tượng dựa trên sự tiếp xúc và các cảm thọ.

    Bạn đến tham dự tiệc sinh nhật của một người bạn, ngồi cùng bàn với một anh chàng (sắc) đẹp trai, vui tính (thọ) khiến bạn cảm thấy buổi tối hôm đó thật vui vẻ, về nhà nhìn thấy chồng mình và so sánh rằng sao chồng mình lại thô lỗ thế nhỉ, không tế nhị bằng chàng trai kia (tưởng). Chính cái tưởng đã tạo ra sự phân biệt làm cho ngã chấp dấy khởi.

    Đưa cho đứa trẻ lên 3 một chiếc Iphone 8, nó sẽ cầm chơi như mấy món đồ chơi khác, nó không hề biết đó là chiếc điện thoại và điện thoại này là điện thoại gì, bao nhiêu tiền, đắt hay rẻ, đời mới hay đời cũ. Cũng chiếc điện thoại đó đưa cho người lớn thì người lớn sẽ biết rằng chiếc iphone này đời cũ rồi, không thích lắm, đã dùng thì phải đời mới nhất Iphone 14,15 cơ.

    Tương tự, người chưa có ô tô sẽ ao ước mua một cái ô tô chỉ cần che mưa che nắng là đủ. Người có cái ô tô tốt hơn sẽ nghĩ cái của tôi xịn, đẳng cấp hơn nhiều. Cái tưởng cung cấp thức ăn làm cho ngã chấp tăng trưởng, khẳng định lòng ham muốn và cảm giác hơn người. 

    Hành uẩn

    Hành chính là hành động, sự tạo tác sau khi trải qua quá trình tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ "sắc - thọ - tưởng". Hành bao gồm cả: Thân - Khẩu - Ý và là đối tượng tạo ra nghiệp (nghiệp thiện và nghiệp ác).

    Khi ta đấm một ai đó là hành của "thân", mắng chửi khen chê là hành của "khẩu", suy nghĩ muốn giết người hoặc con vật nào đó là hành của "ý". Ta thường nhầm hiểu chỉ hành động của thân hoặc khẩu mới tạo nghiệp mà không biết rằng khởi lên một ý nghĩ cũng đã tạo nghiệp rồi. Đây là điều đáng tiếc, nó khiến bạn không ngừng tạo ra nghiệp mỗi ngày.

    Thức uẩn

    Thức chính là nhận thức, bao gồm khả năng nhận biết, phân biệt, dựa trên các kinh nghiệm sinh ra 6 từ giác quan: Mắt - Tai - Mũi - Lưỡi - Thân - Ý.

    Thức là sự kết hợp của nhân duyên khác nhau thông qua 4 uẩn ở trên (sắc, thọ, tưởng, hành) nên mỗi người lại có sự nhận biết khác nhau nhưng chúng ta lại thường cho rằng nhận thức của mình là đúng, người khác là sai. Chính điều đó tạo ra tâm yêu ghét, phân biệt.

    Người có dòng máu á đông sẽ có nhận thức khác với dòng máu phương tây, sinh viên Việt Nam sẽ có tư tưởng khác với sinh viên được đào tạo ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Âu, người sống theo triết lý của đạo phật sẽ khác với người theo triết lý của đạo giáo... ngay cả người được nuôi dạy trong gia đình khác nhau thì thói quen sinh hoạt đã khác nhau....

    Hàng tỷ nhân duyên kết hợp với nhau sẽ tạo ra quả khác nhau, cho nên không thể phán xét đúng sai theo góc nhìn của mình để rồi áp đặt lên người khác. Hiểu được điều này người chồng sẽ thông cảm cho người vợ, biết rằng người vợ từ nhỏ đến lớn được nuôi dạy ở môi trường khác không thể bắt ép vợ phải theo thói quen sinh hoạt của nhà chồng, làm được như vậy sẽ không có mâu thuẫn bi kịch gia đình xảy ra nếu ta thử đặt mình vào trường hợp của người khác.

    Ngũ uẩn giai không

    Ngũ uẩn không phải là của ta, nó là do nhân duyên kết hợp, có cái này mới có cái kia, cái này còn cái kia còn, cái này mất cái kia mất, ta không tạo ra cái gì cả, tất cả là của vũ trụ, ta chỉ là cóp nhặt mỗi thứ một tí. Ta cần biết mọi thứ là vô thường, vô ngã đến rồi đi, tự sinh tự diệt mà không phản ứng với nó, bám víu vào nó, muốn sở hữu nó để rồi tạo nhiều nghiệp chướng, luân hồi trong đau khổ.

    Sản phẩm nổi bật

    Tin liên quan

    Nhân quả là gì? Luật nhân quả có thật hay không?

    Hàng ngày, chúng sinh vẫn tặc lưỡi, nhắm mắt làm điều xấu miễn là có lợi cho mình vì cho rằng luật nhân quả không tồn tại, do họ thấy người làm ác không bị báo ứng. Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm đến khi nghiệp trổ thì phải chịu đau đớn, khổ não mà không có cách nào hóa giải.

    Vô ngã là gì? Có phải vô ngã là tinh hoa của phật giáo?

    Rất nhiều quan điểm cho rằng vô ngã là tinh hoa của phật giáo? Điều này có đúng hay không, áp dụng vào đời sống như thế nào. Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

    Vô thường là gì? Có phải chết là hết không?

    Để tâm được thanh tịnh, an nhiên tự tại bạn phải hiểu vô thường là gì để đạt được trạng thái buông bỏ, giải thoát và cao hơn nữa là đạt đến cảnh giới niết bàn.

    Từ Bi Hỷ Xả là gì? Ý nghĩa của tứ vô lượng tâm

    Từ Bi Hỷ Xả mọi người đã nghe nhiều trong đời sống cũng như trên phương tiện truyền thông nhưng phần lớn chỉ hiểu một cách sơ sài, chưa hiểu đến tầng nghĩa thâm sâu nhất.

    Niệm Chú Đại Bi tai qua nạn khỏi, hóa hung thành cát

    Bất cứ ai gặp trắc trở, đau khổ trong cuộc sống nếu thành tâm trì tụng thần chú đại bi đều sẽ vượt qua thử thách một cách bình an, chuyển hung thành cát.

    © 2024 toithich.vn. All Rights Reserved.